Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhìn nhận, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp về tiết kiệm điện chưa đủ hấp dẫn, thiếu các ưu đãi như giảm thuế hoặc hỗ trợ vay vốn, thu xếp tài chính để đầu tư vào các thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Ngày 19/9, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024.
Toàn quốc tiết kiệm điện đạt hơn 2% mỗi năm
Việc sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng điện, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), đến nay, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Chương trình tiết kiệm điện đạt kết quả như, tỉ lệ tiết kiệm điện toàn quốc hơn 2% hàng năm trong giai đoạn 2020-2023. Tỉ lệ tổn thất điện năng đã giảm từ 7,47% vào năm 2017 xuống 6,25% năm 2022. Bộ Công Thương đã xây dựng và tổ chức quản lý thực hiện 50 nhiệm vụ năm 2023 với tổng kinh phí 32 tỷ đồng và đang thực hiện 44 nhiệm vụ năm 2024 với tổng kinh phí 29 tỷ đồng…
Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Nguyễn Thị Lâm Giang. Ảnh: Thành Vân.
Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết, trong bối cảnh kể từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu; việc đầu tư phát triển các dự án nguồn và lưới điện đỏi hỏi nguồn lực rất lớn của xã hội.
Và các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành còn cao cũng như bị giới hạn về tỉ trọng công suất trong hệ thống điện do các rào cản kỹ thuật trong việc vận hành ổn định hệ thống.
"Vì vậy, việc sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu", bà Giang cho hay.
Là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện sản xuất xanh, phát triển bền vững, thời gian qua TP. Đà Nẵng đã phát triển theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, mang tầm quốc tế.
Đặc biệt, Nghị quyết số 136 của Quốc hội khóa XV thông qua vào ngày 26/6/2024 đã mở ra những cơ hội lớn cho thành phố, hướng tới các mục tiêu chiến lược về đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, truyền thông và quản lý khoa học công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng. Ảnh: Thành Vân.
Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, trong hành trình phát triển kinh tế xã hội, thành phố luôn xem việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cùng với sản xuất và tiêu dùng bền vững là những yếu tố then chốt.
Thành phố đã ban hành và thực hiện Kế hoạch Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2030, cùng với Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Các nhiệm vụ này đã được lồng ghép vào quy hoạch và các dự án phát triển của thành phố, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
"Thời gian qua, thành phố đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp về lợi ích của các giải pháp tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và sản xuất xanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí nhà kính", ông Trừ cho hay.
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024. Ảnh: Thành Vân.
Cần cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp
Thông tin tại hội nghị, ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, 5 Tổng Công ty điện lực đã ký cam kết thực hiện tiết kiệm điện với 1,832 triệu khách hàng, tiềm năng tiết kiệm điện cam kết là 3,079 tỷ kWh.
5 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng tiết kiệm điện toàn quốc đạt hơn 2.620 triệu kWh (tương đương với 2,38% lũy kế thương phẩm 5 tháng 2024). Điều này cho thấy tiềm năng tiết kiệm điện của Việt Nam còn rất lớn và hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu cam kết về tiết kiệm điện.
Theo ông Nguyên, từ giai đoạn 2000 - 2023, tỷ lệ tổn thất điện năng giảm từ 14,03% xuống còn 6,15%; thực hiện 6 tháng năm 2024 giảm còn 6,03%.
"Nhận thức của khách hàng sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm ngày càng tăng. Khách hàng, đặc biệt là hộ gia đình đã chủ động chuyển đổi sang các thiết bị tiết kiệm điện, thực hành "Tiết kiệm điện thành thói quen", ông Nguyên cho hay.
Tỉ lệ tiết kiệm điện toàn quốc đạt hơn 2% so với tổng lượng điện thương phẩm hằng năm giai đoạn 2020-2023. Ảnh: EVN.
Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp về tiết kiệm điện chưa đủ hấp dẫn, thiếu các ưu đãi như giảm thuế hoặc hỗ trợ vay vốn, thu xếp tài chính để đầu tư vào các thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Đặc biệt, nguồn vốn từ các ngân hàng cho các dự án hiệu quả năng lượng còn hạn chế, lãi suất chưa hấp dẫn, khiến doanh nghiệp ngại thực hiện các giải pháp tiết kiệm.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, đặc biệt trong các ngành xi măng, thép, hóa chất, gạch gốm, dệt may, thực phẩm…. Và nhiều doanh nghiệp còn chần chừ chưa sẵn sàng đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm điện.
Còn ông Trần Huỳnh Vương Hoài Vũ, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng kiến nghị, Bộ Công Thương cần cập nhật, ban hành danh sách cơ sở năng lượng trọng điểm hàng năm sớm hơn để các Sở Công Thương có cơ sở làm việc cũng như theo dõi, kiểm tra việc sử dụng năng lượng tại các đơn vị; việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ chương trình quốc gia.
Ngoài ra, Bộ Công Thương xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin danh sách các cơ sở dán nhãn năng lượng đến các địa phương; có hướng dẫn các địa phương về thẩm quyền kiểm tra theo Quyết định Ban hành danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu quả suất không được xây dựng mới.
Lễ phát động cuộc thi "Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng". Ảnh: Thành Vân.
Lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng
Tại hội nghị, Bộ Công Thương và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) đã phát động cuộc thi "Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng".
Cuộc thi nằm trong khuôn khổ dự án "Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng" (AIS4EE) thuộc Chương trình Chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam – EU (SETP) do Liên minh châu Âu tài trợ cho Bộ Công Thương.
Đây là một Chương trình tăng tốc khởi nghiệp dành riêng cho lĩnh vực hiệu quả năng lượng lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Qua đó, hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư vào các giải pháp đổi mới sáng tạo về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải và xây dựng tại Việt Nam. Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhóm học sinh, sinh viên.
Ban tổ chức chính thức nhận hồ sơ đăng ký trực tuyến từ ngày 6/8 đến 25/9 tại địa chỉ https://ais4ee.vn. Dự kiến chương trình sẽ lựa chọn tối đa 30 đội thi tốt nhất (gồm 15 doanh nghiệp khởi nghiệp và 15 nhóm học sinh, sinh viên) tham gia chương trình huấn luyện và đào tạo từ tháng 10 đến tháng 12. Chung kết cuộc thi sẽ diễn ra vào tháng 3/2025.
Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên đến 35.000 USD cho các nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp và 10.000 USD cho nhóm học sinh sinh viên khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các đội thi có cơ hội tham gia các hoạt động gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế.
Sưu tầm: Nguyễn Văn Hùng -P2
Nguồn: https://nhadautu.vn/ (Cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp về tiết kiệm điện chưa đủ hấp dẫn)