title
Những nguyên nhân mất cân đối vùng miền
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến hết năm 2020, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đã đạt gần 70.000 MW, đáp ứng đủ nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên do sự chuyển dịch về nguồn điện cũng như chính sách thu hút đầu tư, tốc độ phát triển kinh tế của các vùng miền khác nhau dẫn đến mất cân đối hệ thống điện.
Nếu tính mốc năm 2015 trở về trước, nguồn điện ở miền Bắc tương đối lớn vì có nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện khá dồi dào (than, thủy điện), có thể cung cấp cho cả nước, thế nhưng nhu cầu sử dụng điện lại thấp hơn rất nhiều so với miền Nam. Tại khu vực miền Trung chỉ có thể phát triển các thủy điện nhỏ và vừa, nhu cầu tiêu thụ điện cũng không quá lớn; Trong khi đó, khu vực miền Nam có kinh tế phát triển nhanh nhất cả nước, nhu cầu sử dụng điện lớn nhưng tổng công suất nguồn điện tại chỗ lại rất nhỏ (chủ yếu điện khí) nên dẫn đến tình trạng thiếu điện, phải cắt điện luân phiên.
Để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế khu vực miền Nam và miền Trung trong cả giai đoạn dài, dù đã được bổ sung thêm hàng 1000 MW nhiệt điện than ở phía Nam nhưng đường dây 500kV mạch 1, rồi mạch 2, mạch 3 vẫn phải làm nhiệm vụ nặng nề "cõng điện từ Bắc vô Nam" trong tình trạng đầy hoặc quá tải. Sự mất cân đối vùng miền khiến việc vận hành hệ thống điện luôn gặp khó khăn, tổn thất điện năng lớn, chi phí sản xuất tăng, áp lực lên giá thành điện. Bên cạnh đó, nhiều nguồn điện than lớn bị chậm tiến độ, khiến đất nước luôn ngấp nghé nguy cơ "thiếu điện".
Sau khi Quy hoạch điện VII được điều chỉnh vào năm 2016, cùng với việc Quốc hội nhất trí dừng chủ trương phát triển điện hạt nhân, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ ban hành chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời bằng cơ chế giá FIT. Nhờ đó, công suất các nguồn điện gió, mặt trời đã có sự bùng nổ. Chỉ sau 3 năm, tổng công suất nguồn điện này đã đạt khoảng 20.000 MW, góp phần quan trọng trong việc cung cấp điện cho đất nước, giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường; thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương...
Tuy nhiên, điện gió và điện mặt trời lại tập trung lớn ở khu vực miền Trung và miền Nam, đặc biệt ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ giàu tiềm năng nhưng nhu cầu phụ tải rất thấp.
Cùng thời gian này, nhu cầu sử dụng điện giữa các vùng miền lại có sự thay đổi rõ rệt. Miền Bắc – với những chính sách thu hút đầu tư tốt, công nghiệp phát triển nhanh, nhu cầu phụ tải tăng rất cao với mức tăng trưởng 2 con số. Miền Nam vẫn tiếp tục tăng nhưng dần trở nên bão hòa. Còn miền Trung thừa điện năng lượng tái tạo nhưng nhu cầu phụ tải tăng trưởng không cao. Và đã có nhiều thời điểm, hệ thống điện truyền tải 500kV lại mang điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc.
Một nguyên nhân khác người viết cũng muốn đề cập ở đây là tư duy mang tính cục bộ, địa phương. Đã có nhiều địa phương không chia sẻ trong việc triển khai quy hoạch điện đã được phê duyệt (phản đối nhiệt điện than, mong muốn điện sạch); đề xuất, đăng ký hết khả năng phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo và điện khí; không tính đến khả năng tiêu thụ vùng miền; còn việc đầu tư lưới điện truyền tải thì trung ương, ngành điện lo.

Quy hoạch điện VIII sẽ hạn chế truyền tải điện xa, tối ưu hóa chi phí
Hạn chế truyền tải xa, tối ưu hóa chi phí
Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ thực tế và các dự báo tính toán, dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng cẩn thận với mục tiêu lợi ích chung của Quốc gia lên trên hết và quan điểm cân đối vùng miền, hạn chế truyền tải liên miền và kiên quyết không xây dựng thêm bất kỳ đường dây truyền tải liên kết miền nào.
Theo đó, Quy hoạch điện VIII phân chia hệ thống điện Việt Nam thành 6 tiểu vùng: Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Nam bộ; giữa các vùng có liên kết với nhau bằng hệ thống truyền tải điện 500kV xương sống.
Việc phân chia như vậy sẽ giúp tối ưu phát triển và cân đối nguồn điện trên toàn bộ hệ thống điện và từng tiểu vùng theo tiêu chí cực tiểu hóa chi phí sản xuất điện trong toàn bộ thời kỳ quy hoạch. Đồng thời giúp đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện trên từng hệ thống điện tiểu vùng, giảm tổn thất truyền tải liên vùng, miền.
Đây cũng là quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về Quy hoạch điện VIII diễn ra mới đây nhằm bảo đảm an ninh năng lượng; bố trí nguồn điện hợp lý giữa các vùng miền; giảm thiểu đầu tư hệ thống truyền tải, qua đó đã giảm tối đa tổng mức đầu tư, đảm bảo giá điện ở mức hợp lý; và thực hiện những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải. Đặc biệt, Chính phủ đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng trong việc phát huy lợi thế về phát triển điện lực của các địa phương, nhất là đối với địa phương còn khó khăn trên cơ sở bảo đảm hiệu quả chung.
Có thể nói, qua nhiều lần đánh giá, tiếp thu, điều chỉnh, đến nay, cơ bản các phương án tính toán đã tối ưu. Tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 vào khoảng 146.000 MW; Nhu cầu công suất cực đại dự kiến vào năm 2030 vào khoảng 93.000 MW; Cùng với đó là sự đồng bộ trong việc phát triển lưới điện truyền tải và các giải pháp khác. Tin rằng, Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VIII sẽ sớm được thông qua trong tháng 4/2022 để làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai, thực hiện.
Theo nhiều chuyên gia, sự dịch chuyển cung cầu và phân bổ nguồn điện giữa các vùng miền là một trong những tồn tại của Quy hoạch điện VII giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên với những điểm mới và tính toán tối ưu trong Quy hoạch điện VIII sẽ giải quyết được những tồn tại trên một cách triệt để.
Theo Báo Công thương - (Trần Quốc Bảo P2 đưa tin)